Theo đánh giá của Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam, tình hình sản xuất của ngành giấy trong nước những tháng đầu năm 2018 khá ổn định...
Trong 4 tháng đầu năm, ngành giấy đã sản xuất được 1.181.815 tấn giấy các loại, tăng 60% so với cùng kỳ 2017, nhờ các nhà máy có công suất lớn đã hoạt động mạnh từ quý 4/2017 và tiếp tục tăng sản lượng sản xuất trong những tháng đầu năm 2018.
Để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, 4 tháng đầu năm 2018, ngành giấy đã nhập 465.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng giấy nhập khẩu lớn chủ yếu là cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì cao cấp và giấy phục vụ cho thị trường trong nước.
Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Dù hoạt động sản xuất ổn định nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động và sự cạnh tranh. Trên thị trường thế giới, giá giấy các loại đều tăng trong quý 1/2018 và vẫn tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 4 do chi phí sản xuất các nguyên liệu từ bột giấy, nguyên liệu và hóa chất của ngành giấy đều tăng.
Các doanh nghiệp ngành giấy còn cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, doanh nghiệp bị các doanh nghiệp Trung Quốc tranh mua nguyên liệu và giấy thành phẩm. Bởi hoạt động sản xuất giấy tại Trung Quốc đang được giảm bớt theo hướng chọn lọc dự án đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường.
Xu hướng đó khiến nguồn cung của ngành giấy rơi vào tình trạng căng thẳng. Vì vậy, các doanh nghiệp dự báo giá nguyên liệu và giấy nhập khẩu sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Tại thị trường trong nước, vụ sản xuất chính đã bắt đầu vào mùa để đáp ứng cho năm học mới và hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng các loại bao bì cũng tăng lên do hoạt động sản xuất của các ngành hàng phát triển đã tạo cơ hội cho ngành giấy catton "ăn nên làm ra".
Theo đánh giá của Hiệp hội Bao bì Việt Nam, ngành sản xuất bao bì trong nước tăng trưởng mạnh trong 10 năm trở lại đây. Do đó, nhu cầu nguyên liệu rất cao.
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy các loại khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó nhập từ Trung Quốc trên 600 triệu USD. Với việc doanh nghiệp Trung Quốc thu mua nguyên liệu và giấy cũng đẩy kim ngạch xuất khẩu của ngành lên cao đột biến. 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xuất khẩu 187.056 tấn giấy các loại, tăng 400% so với cùng kỳ 2017.
Phát triển vùng nguyên liệu là sự sống còn
Theo giải thích của các doanh nghiệp ngành giấy, tình trạng nhập khẩu cao là vì các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô để làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Nguyên do là ngành chưa có đủ dây chuyền để sản xuất bột giấy từ gỗ.
Hiện tại, đa số phải xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Thêm vào đó, nguồn gỗ thô nguyên liệu dù đã được bổ sung với các loại rừng trồng nhưng vẫn chưa nhiều, do cạnh tranh với ngành chế biến gỗ.
Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Mai cho biết, việc đầu tư các nhà máy giấy là nỗ lực của các doanh nghiệp giấy trong việc nội địa hóa thị phần giấy, giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa.
Song, tuỳ vào năng lực tài chính mà từng doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện nhanh chậm khác nhau. Đơn cử như tại Tân Mai, trong năm 2018 và 2019, doanh nghiệp xúc tiến đầu tư thêm nhà máy giấy bao bì có công suất 200.000 tấn/năm tại Long Thành (Đồng Nai) và nhà máy sản xuất bột giấy tại Kon Tum sau khi dự án nhà máy tại Quảng Ngãi phải huỷ bỏ do gặp khó khăn về mặt bằng.
Để phát triển bền vững, ngoài đầu tư cho trang thiết bị, Tân Mai đặt ra chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu giấy với kế hoạch khai thác dài hạn 20 và 25 năm tùy loại rừng. Theo đó, doanh nghiệp này đã tập trung xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và vùng nguyên liệu rộng lớn, khắp các tỉnh thành phía Nam.
Theo ông Thịnh, hiện nay, Tập đoàn đang quản lý rừng và đất rừng tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đông Nam Bộ, Quảng Ngãi và Kon Tum với tổng diện tích là 31.105 ha. Tập đoàn còn trồng mới rừng như năm 2017 trồng được 542,36 ha và mục tiêu trong năm 2018 trồng thêm 1.187 ha.
Dù doanh nghiệp tự lực cánh sinh nhưng để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất, đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách để trồng rừng và phát triển công nghệ trong sản xuất đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ được môi trường.
Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa người dân với doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp trong ngành phải liên kết với nhau mới có thể hy vọng phát triển nhanh vùng nguyên liệu cho ngành tại chỗ, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng cao.
Hiện tại, với quy trình sản xuất đi theo đường vòng, các doanh nghiệp trong nước phải chật vật cạnh tranh, không những không chủ động được sản xuất, kiểm soát được thị trường mà dễ dàng bị đánh bật trước các thương hiệu giấy ngoại. Đơn cử như giấy ngoại nhập từ Thái Lan, Indonesia, và Nhật Bản. Điều đáng lo ngại là giấy của các thương hiệu ngoại trội hơn hẳn sản phẩm giấy trong nước nên được người tiêu dùng lựa chọn.